Tháng mười một 21, 2024
image-4

Các ngành thuộc nhóm sức khoẻ, có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm đào tạo giáo viên sẽ không được áp dụng hình thức đào tạo từ xa.

Theo dự thảo Thông tư về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, được công bố ngày 17/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường chỉ đào tạo từ xa với các ngành đã tuyển sinh tối thiểu ba khoá chính quy liên tục, không áp dụng hình thức này với ngành thuộc nhóm sức khỏe, giáo viên. Đây là điểm mới của dự thảo so với quy định hiện hành tại Thông tư 10 năm 2017.

Giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Ngoài ra, để thực hiện đào tạo từ xa, trường đại học phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu về giảng viên, hệ thống kiểm tra, đánh giá trực tuyến và bộ máy quản lý, giám sát. Cụ thể, giảng viên thỉnh giảng đảm nhận tối đa 30% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo từ xa. Các giảng viên đào tạo từ xa đều phải được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp dạy và quản lý.

Trường đại học được yêu cầu cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, học phí và các khoản thu từ người học; có thư viện điện tử với đủ học liệu cần thiết cho chương trình.

Dự thảo Thông tư không quy định chỉ tiêu và công tác tuyển sinh với hình thức đào tạo từ xa, lấy ý kiến góp ý từ 17/10 đến hết 17/12.

Trong hai năm ảnh hưởng bởi Covid-19, các đại học đã áp dụng hình thức trực tuyến trong học tập và kiểm tra, đánh giá. Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 với giáo dục đại học hôm 12/9, năm học vừa qua, các trường tuyển được gần 2.900 sinh viên theo hình thức đào tạo từ xa, chỉ đạt 6,12% chỉ tiêu đề ra và giảm mạnh so với 2 năm trước đó. Cụ thể, năm 2019 và 2020, hệ đào tạo từ xa lần lượt tuyển được 13.300 và 22.100 sinh viên.

Nếu được thông qua, Thông tư mới được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng, giúp các trường áp dụng hình thức đào tạo từ xa một cách có hệ thống, đạt hiệu quả cao.